Thứ Năm, 28 tháng 10, 2010

Giá trị một con người.

Báo Điện tử Dân trí, Thứ Năm, 28/10/2010 - 14:55, kể chuyện:
(Dân trí) - “Mình sống mà nhân dân, người thân của mình chết vì lũ thì mình sống vui sao được” - đó là lời lý giải giản đơn của chàng Bí thư đoàn Trương Quang Thụy (xã Hưng Long, Hương Khê, Hà Tĩnh) cho hành động cứu hàng chục người trong lũ dữ của mình.
 
Kể về cậu con trai Trương Quang Thụy (SN 1984) có “thâm niên” 5 năm làm Phó Bí thư đoàn và 2 năm làm Bí thư đoàn xã, bà Đoàn Thị Lài (70 tuổi) không giấu được niềm tự hào. Bà nhớ lại: “Hôm đó (16/10), trước khi Thụy đi cứu người có điện cho tui và ông nhà tui. Tôi động viên “Con cứ yên tâm, cứ đi cứu giúp mọi người nhưng cũng phải bảo vệ mình con nhé”. 

Lời động viên của mẹ đã tiếp thêm động lực cho Thụy quên mình lao ra giữa dòng nước lũ cứu người bị nạn. Ban đầu không có thuyền, Thụy lao mình xuống dòng nước bơi đi tìm thuyền. Với tài bơi lội từ nhỏ, Thụy vượt qua gần 100m nước lũ, tìm được chiếc thuyền nhỏ và chèo đi cứu người.

Thụy kể: “Hôm đó tôi xuống nhà chị gái ở xã Hưng Bình (cách nhà 3 km) chơi. Đêm xuống nước lên rất nhanh, chỉ một lúc nước đã lên cao tận nóc nhà. Đi cứu người, cứ chỗ nào có tiếng kêu cứu là tui cho thuyền táp vào. Lúc đó tui chẳng nghĩ gì nhiều, chỉ tìm cách làm sao đưa mọi người đến chỗ an toàn”. 

Trong đêm lũ kinh hoàng ấy, Thụy cùng với 15 đoàn viên khác trong xã đã sơ tán kịp thời 50 người dân đến nơi an toàn; bản thân Thụy cứu được 3 người đi đường và di chuyển được 18 người khác đến nơi tránh lũ.

Thụy nhớ lại, sau khi được cứu, nhiều người cảm động muốn biết tên và địa chỉ của Thụy để sau này đến tạ ơn nhưng Thụy khéo léo từ chối: “Cứu người làm phúc; thanh niên tình nguyện coi việc cứu người là trách nhiệm của mình”.

Cơn lũ đi qua, chàng Bí thư đoàn xã Hưng Long lại cùng BCH đoàn xã trích 750.000 đồng mua mỳ tôm kịp thời cứu đói nhân dân trong xã bị ảnh hưởng lũ nặng nề.

Nói về Trương Quang Thụy, Bí thư Huyện đoàn Hương Khê - Hoàng Quốc Nhã - khen ngợi: Thụy là một cán bộ Đoàn năng nổ, nhiệt tình và trách nhiệm. Là một thủ lĩnh thanh niên, Thụy có sức thu hút trên 50% thanh niên trong xã tham gia hoạt động. Hành động quên mình cứu người của Thụy và các đoàn viên thanh niên vừa qua là tấm gương để thanh niên trong huyện học tập. Chàng trai này cũng được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Tỉnh đoàn và Huyện đoàn Hương Khê.

Còn ông Trương Quang Hỷ, bố Thụy, khi nói về cậu con trai “chỉ biết đi cứu nhà người khác” của mình đã khảng khái chia sẻ: “Tui rất mừng vì con tui đã có những hành động cứu người trong hoạn nạn. Việc con tui cứu mọi người cũng như cứu chính gia đình mình”.

Hồng Hạnh
Thật cảm kích một hành động cứu người vô vị lợi.
Lời Chúa nhắc ta:"Ai trong các ông có con trai hay con bò sa xuống giếng, mà lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sa-bát?" (Lc 1,5)
Lạy Chúa, từng ngày con theo Chúa, nhưng con chưa yêu thương kính trọng tha nhân như lòng Chúa ước mong; xin cho con biết nói lời thân ái với anh em, biết nhường điều hay, việc tốt cho anh em. Cuối cùng, xin Chúa hãy dùng con như khí cụ của Chúa. 

Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2010

Chúa nhìn con

Theo Tuổi Trẻ online, Thứ Bảy, 16/10/2010, 07:26 (GMT+7)
Về nhà như những người anh hùng
TT - Ba trong số 33 thợ mỏ Chile đã trở về nhà ở thành phố Copiapo ngay hôm sau cuộc giải cứu lịch sử và cảm động khiến cả thế giới xúc động. Sau 69 ngày dưới hầm sâu 700m, giờ họ như những người anh hùng.
33 thợ mỏ cùng tổng thống Chile tại Bệnh viện Copiapo sau ngày được giải cứu - Ảnh: AFP
“Tôi tưởng mình không bao giờ được trở về nhà nữa - thợ mỏ Edison Pena nghẹn ngào - Chúng tôi không là những nghệ sĩ, cũng chẳng là những ngôi sao. Chúng tôi là những con người bình thường”. Nhưng hoa giấy đã phủ ngập người khi anh được những người hàng xóm công kênh vào nhà.
“Không thể nào tin nổi” - thợ mỏ Juan Illanes kinh ngạc.
Trước cửa nhà, thợ mỏ Bolivia Carlos Mamani cảm ơn những người bạn Chile “đã nỗ lực hết mình cho cuộc giải cứu”.
Về nhà, ba thợ mỏ vẫn còn đeo kính đen để thích ứng dần với ánh sáng. Tuy nhiên, theo bác sĩ Jorge Montes thuộc Bệnh viện Copiapo, họ được phép hoạt động thoải mái và chỉ cần đeo kính đen khi trời quá nắng.
“Sự hồi sinh”, “Phép mầu”, “Cuộc hạ sinh thành công”. Báo chí thế giới đã dùng những từ ngữ diễn đạt niềm vui được nhân lên khắp năm lục địa từ cuộc giải cứu “nhóm 33”. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon ca ngợi chiến dịch giải cứu là “một chiến thắng kỳ diệu của tài năng và sức mạnh của trí tuệ con người”.
Trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Chile TVN, thợ mỏ Richard Villaroel khẳng định chính tình đồng đội thắm thiết đã giúp 33 thợ mỏ sống sót dưới lòng đất suốt 17 ngày đen tối đầu tiên, khi họ chưa liên lạc được với bên ngoài. “Khi một người trong số chúng tôi cảm thấy không còn chịu đựng nổi nữa thì có ngay một đồng đội bên cạnh”.
Trưởng ca Luis Urzua, người được giải cứu cuối cùng, kể tất cả đã rơi vào hoảng loạn khi lượng thức ăn dự trữ ít ỏi cứ ngày một teo tóp dần trong 17 ngày đầu tiên. “Nhưng dù cái đói cồn cào, chúng tôi vẫn cố không ngốn sạch chỗ thức ăn còn lại”- Luis Urzua kể.
Luis Urzua vẫn không sao quên nổi sự hỗn loạn bùng phát khi hầm mỏ sập xuống, 33 người đàn ông cuống cuồng đào bới trong bóng tối mịt mùng và đám bụi dày đặc để tìm lối thoát. Phải vài giờ sau, Luis Urzua mới tập hợp được 33 con người này.
“Nhưng giây phút đau đớn nhất đến ngay sau đó khi đám bụi lắng xuống - Urzua kể - Chúng tôi chỉ nhìn thấy toàn đá là đá. Ban đầu, tôi cho rằng chỉ mất một đến hai ngày là thoát được, nhưng khi nhìn thấy đống đá, tôi biết rằng mọi chuyện sẽ cực kỳ khó khăn. Một số người đã manh động, nhưng thật may là chúng tôi đã không hóa điên và không có tai nạn nào xảy ra”.
Hai ngày sau đó, thêm một vụ sập hầm nữa xảy ra, và tất cả hoàn toàn tuyệt vọng. “Tôi đã nghĩ mình sẽ không bao giờ được thấy người vợ đang mang thai và con tôi nữa” - thợ mỏ Villaroel kể.
33 thợ mỏ chia nhau chút thức ăn còn lại, nhưng cái đói cứ tiếp tục giày vò họ đến gầy sọp. Villaroel sụt 12kg. Nhiều thợ mỏ chìm trong sự tuyệt vọng, nhưng Luis Urzua cố vực dậy tinh thần họ bằng cách thúc giục mọi người thường xuyên trò chuyện. Lúc đó, một thợ mỏ dại miệng đùa là nếu hết thức ăn, họ sẽ phải ăn thịt lẫn nhau.
“Khi đó, không ai phản ứng gì - Villaroel kể - Nhưng rồi nó lại trở thành chủ đề của những câu đùa trong nhiều ngày, cho đến khi các đội cứu hộ tìm thấy chúng tôi”. Đến ngày thứ 17, nhiều thợ mỏ đã kiệt quệ cả thể xác lẫn tinh thần, một số chui vào “giường” và không chịu dậy. Dù có nghe tiếng máy khoan, nhưng nhiều thợ mỏ đã tuyệt vọng, không còn tin nổi là các đội cứu hộ có thể tìm đến chỗ họ đang trú ẩn. “Chúng tôi đã chờ đợi cái chết”.
“Nhưng dù khó khăn, tuyệt vọng, chúng tôi vẫn hỗ trợ lẫn nhau - thợ mỏ Villaroel nói - Khi một người làm gì sai, người khác sẽ đưa anh ta trở lại đường đúng”. Trong suốt 17 ngày đen tối, mọi quyết định đều được đưa ra trong sự đồng thuận.
Và rồi mũi khoan từ trên mặt đất cuối cùng đã tìm đến họ, nhóm lên tia hi vọng sống sót trở về.
HIẾU TRUNG tổng hợp
 ------------------------------------
Thật khó tin được rằng 33 thợ mỏ ở Chilê có thể sống sót trở về với gia đình. Nhưng Chúa đã nói:
"Năm con chim sẻ chỉ bán được có hai hào phải không?Tthế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa" (Lc 12,16)
Lạy Chúa, xin cho con tin rằng mọi khoảng khắc của đời con luôn ở trong cái nhìn âu yếm của Chúa.

Thứ Ba, 5 tháng 10, 2010

Cuộc sống là cà phê

"Chúa đã giấu các điều ấy cùng kẻ khôn ngoan thông thái, và đã tỏ bày ra cho những kẻ bé mọn" (Mt 11,25-30)
Một câu chuyện trong mục Nghệ thuật sống kể rằng:
Một nhóm học trò thành đạt về thăm thầy cũ-Người có tài pha cà phê tuyệt vời. Sau một hồi trò chuyện, họ bắt đầu kể lể, than phiền về những sức ép trong công việc cũng như trong cuộc sống. Nghe vậy, người thầy vào bếp lấy cà phê mời học trò cũ của mình.
Thầy đem ra nhiều tách khác nhau để trên bàn: bằng sứ, bằng nhựa, bằng thủy tinh, pha lê. Từ loại đắt tiền, tinh xảo khó tìm đến loại rẻ tiền dễ mua. Thầy nói: các em tự chọn tách và rót cà phê cho mình đi.
Học trò nào cũng nhanh tay chọn cho mình chiếc đẹp và tinh xảo nhất, rồi bắt đầu bình luận về chiếc tách.
Thầy bắt đầu nói: em nào cũng chọn những tách đắt tiền, chẳng ai thèm màng đến những chiếc tách nhựa rẻ tiền này.
Thầy thở dài, nói tiếp: các em đến đây để uống cà phê chứ đâu phải để xem cái tách. Cà phê thì một thôi mà. Cho vào loại đẹp nhất hay là loại nhựa rẻ tiền thì cũng đâu có ảnh hưởng gì đến cà phê.
Các em chọn, nhiều người chọn như thế cũng là điều bình thường, vì ai chẳng muốn chọn cho mình cái tốt nhất, nhưng điều ấy lại là nguồn cội của mọi vấn đề rắc rối trong cuộc sống.
Thầy tiếc là các em tuy học được nhiều thứ, thành công nhiều lãnh vực, nhưng điều quan trọng trong đời thì các em vẫn chưa học được. Đó là các em chỉ đi tìm cái vỏ mà thôi. Tìm vỏ mà bỏ ruột.
Học trò chú ý lắng nghe từng câu rồi trầm ngâm.
Hãy suy ngẫm điều này nhé: cuộc sống chính là cà phê, còn công việc, tiền bạc và địa vị xã hội chính là những chiếc tách. Và những “chiếc tách” này không hề xác định hay ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống chúng ta. Đôi khi, do cứ mãi để ý vào những “chiếc tách hư danh” mà chúng ta bỏ lỡ việc vui hưởng cuộc sống đáng yêu.
Món quà mà Thượng đế ban tặng cho con người là cà phê chứ không phải tách. Vậy thì cứ thoải mái nhâm nhi cà phê của mình và tận hưởng cuộc sống tươi đẹp.
[Sưu tầm]
(trích Dongdongcong.net)

Lạy Chúa, không phải Chúa giấu con, nhưng vì con tưởng mình khôn ngoan, thông thái đủ sức, đủ tài để có thể tạo được tiền tài, danh vọng, hạnh phúc. Xin Chúa soi sáng lòng trí con để con hiểu rằng: cuộc sống của con là do chúa ban tặng, hãy sống khiêm nhường, phó thác để Chúa làm đẹp đời con lên. Và con hứa sẽ làm cho cuộc  sống của anh em con hạnh phúc hơn nhờ tấm lòng rộng mở của con.