Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Chúa Giêsu đến kiện toàn lề luật?

Suy niệm Tin mừng thứ Tư, sau CN thứ III Mùa Chay:

 
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5:17).

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

Không chỉ bảy lần thôi

Ông Phêrô đến gần Đức Giê su mà hỏi rằng:
Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? có phải bảy lần không?
Đức Giê su đáp:
Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là bảy mươi lần bảy.(Mt 18,26-35)

Tha thứ là một cử chỉ tốt đẹp, là một nhân cách cao quý của con người. Hãy để nhân cách ấy được thể hiện, vì mọi người và vì chính mình.
Tha thứ cho người khác để mỗi tấc lòng thêm rộng mở và tâm hồn được thoải mái. Đừng bao giờ dành dụm thời gian chỉ để trách móc người khác, đừng để uổng phí thời gian và sức lực chỉ để giận một người mà có thể người đó đang rất ung dung tự tại.
Hãy tha thứ cho người khác cũng như tha thứ cho chính mình, để đuợc sống những khoảnh khắc tuyệt vời với cái thật của mình.
Và khi đã không còn vướng bận chi nữa, bạn hãy tôn trọng giá trị thực sự của chính mình vì giờ đây bạn đã thực là mình!
(Ngọc Nga sưu tầm)
 Từ hôm nay, con quyết tâm hát tiếp bài ca "vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ"

Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011

Hành trình đức tin


"Người ta dẫn một người mù đến và nài xin Đức Giêsu sờ vào mắt anh," (Mc 8,12)

chia sẻ nỗi đau


Chúa dạy con: "Tìm an ủi người hơn được người ủi an; tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết"
Hôm nay, trên trang http://www.tgpsaigon.net/ có đưa tin

Tôn giáo giúp người Nhật như thế nào sau thảm họa vừa qua?


Ảnh: CNN.com Religion
Tự hào với xã hội thế tục của mình, hầu hết người Nhật không sùng đạo như kiểu người Mỹ. Người Nhật không có khuynh hướng định vị tôn giáo truyền thống đơn lẻ hay học giáo lý từ sách.
“Hầu hết người Nhật nói chung không tự nhiên đến với Phật giáo cho đến khi có đám tang.” Brian Bocking, một chuyên gia tôn giáo học về Nhật Bản ở trường đại học Cork của Ireland cho biết.
Khi có đám tang, tôn giáo gắn kết người Nhật rất chặt chẽ:
“Phần lớn người Nhật tin rằng những gì họ làm cho tổ tiên sau khi chết là quan trọng, những điều mà họ không cầu mong trong đời sống thế tục. Có một niềm tin phổ biến về sự hiện hữu của linh hồn tổ tiên.” Bocking cho biết.
Trong những ngày tháng sắp tới, rất nhiều người Nhật sẽ trở về với truyền thống tôn giáo của quốc gia để bày tỏ lòng thương tiếc với người quá cố và cũng cố sức mạnh để xây dựng lại đất nước sau trận động đất kéo theo siêu sóng thần tàn phá kinh hoàng hôm thứ sáu vừa qua.
Với hầu hết người nhật, tôn giáo phức tạp hơn việc trở về với truyền thống Phật giáo của quốc gia. Họ pha trộn niềm tin Phật giáo với đạo Shinto có từ thế kỷ thứ XV.
“Nhật Bản không sùng đạo như cách mà người dân Bắc Mỹ làm.” John Nelson, trưởng bộ môn thần học và tôn giáo của trường đại học San Francisco cho biết. “Họ đi tới đi lui giữa hai truyền thống tôn giáo và xem như là một phương tiện thích hợp cho tùy trường hợp.”
“Với những thứ cần kết nối với cuộc sống, họ có hướng về nghi lễ của Thần đạo Shinto để hiểu biết. Tuy nhiên, khi cần kết nối với thảm họa và đau thương, họ quay về với Phật giáo.” Nelson cho biết.
Có rất nhiều trường phái Phật giáo ở Nhật Bản, mỗi trường phái có cách dạy khác nhau về khổ đau và điều gì xảy ra sau khi chết.
“Có rất nhiều sự giải thích của Phật giáo về việc tại sao thiên tai xảy ra: từ cộng nghiệp sinh ra thiên tai như là dấu hiệu của ngày tận thế.” Jimmy Yu, giáo sư Phật giáo và Trung Hoa học của trường đại học Florida cho biết. “Và có thể tất cả những điều đó không liên quan đến việc cần phải làm gì.”
Có lẽ, Thiên Chúa giáo, Do Thái hay Hồi giáo thường bận tâm đến nguyên nhân gây ra thảm họa - câu hỏi tại sao Chúa Trời lại để cho động đất xảy ra, ví dụ vậy. Truyền thống Á Đông như Phật giáo và thần đạo Shinto chú tâm vào hành động sinh ra hậu quả và thảm họa.
“Điều quan trọng trong cuộc sống của người Nhật là hành động theo hướng tích cực, kiên trì để vượt qua nghịch cảnh và tôn giáo của họ nhấn mạnh đến điều này. Họ sẽ nói rằng chúng ta phải tăng cường sức mạnh ngay cả thái độ vui mừng khi đương đầu với nghịch cảnh.” Bocking cho biết.
Các tôn giáo chính của Nhật Bản vẫn tiếp tục phát triển để đương đầu với thiên tai nhưng các chuyên gia cho biết sự thúc đẩy để giữ bộ mặt tích cực sẽ giúp cho người Nhật kêu gọi nhau giúp đỡ bạn bè và người thân lau dọn và xây dựng lại.
Cùng thời điểm đó, các tu sĩ Phật giáo sẽ tổ chức các nghi lễ an tang người chết. Phật giáo Nhật Bản thường được cho là Phật giáo của đám chết vì liên hệ đến các nghi lễ trong tang lễ.
Dù người Nhật kết nối các truyền thống tôn giáo, ngay cả với truyền thống phương Tây như Thiên Chúa Giáo, hầu hết họ đều chôn cất theo nghi lễ Phật giáo: hỏa táng và chôn cất trong khu nghĩa trang của gia đình.
Sau khi chôn cất, người Nhật tiếp tục làm các nghi lễ chăm sóc cho vong linh của người quá cố. Hầu hết người Nhật đều có tượng Phật trong nhà và dùng để bày tỏ lòng kính trọng đối với tổ tiên.
“Trong những ngày tới, bạn sẽ thấy họ lạy, với tay chắp cho vong linh của những người đã chết. Điều này quay về với những hiểu biết ban đầu về tâm linh của con người và các nghi lễ dùng để kiểm soát những vong linh đó, có thể trong 49 ngày tùy theo trường phái Phật giáo mà có thể lên đến bảy năm.”
Một trong những trường phái Phật giáo nổi tiếng của Nhật Bản là Tịnh Độ Tông hay Cực Lạc tin rằng người chết có thể được sinh về cực lạc với sự giúp đỡ của người thân.
Dù sẽ có rất nhiều nghi lễ tôn giáo được cử hành sau động đất, cũng có vài sự bất bình qua những nghi lễ truyền thống này.
Rất nhiều người trẻ Nhật Bản đã không theo Phật giáo, lên án các tu sĩ làm giàu qua sự đau khổ của người khác vì họ phải trả tiền cho các nghi lễ này. Nhiều người còn chỉ trích rằng các tu sĩ dùng tiền đám tang vào chùa mà chẳng giúp ích gì cho xã hội cả.
“Động đất là cơ hội cho các tu sĩ Phật giáo thể hiện rằng họ vẫn còn liên quan. Giới trẻ bây giờ chẳng còn quan tâm đến nữa.” Nelson cho biết.
(phatgiaovnn.com)
Người chuyển dịch: 
Ánh Thái Dương
Nguồn: 
Religion.blogs.cnn.com

Bài học làm người trong lúc khốn khó






Trong mail của người bạn gởi, đã chuyển cho tôi câu chuyện sau:
Bài học cảm động từ một cậu bé 9 tuổi ở Nhật
“Một câu chuyện cảm động về cậu bé 9 tuổi ở Nhật đã dạy cho tôi bài học làm người trong lúc khốn khó nhất.

Dưới đây là bài viết cảm động của một độc giả gửi báo Dân trí về cách ứng xử tuyệt vời trong cơn hoạn nạn ở Nhật của một cậu bé mới 9 tuổi.

Tối hôm qua tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó phân phát thực phẩm cho những người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng tôi chú ý đến một em nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc áo thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà em lại xếp hàng cuối cùng, tôi sợ đến lượt của em thì chắc chẳng còn thức ăn nên mới lại hỏi thăm.

Em kể khi đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến, cha của em làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường em nhìn thấy chiếc xe và cha bị nước cuốn trôi, nhiều khả năng đã chết.

Hỏi mẹ đâu, em nói nhà em nằm ngay bờ biển, mẹ và em em chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe hỏi đến thân nhân.

Nhìn thấy em nhỏ lạnh, tôi mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người em nhỏ. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài, tôi nhặt lên đưa cho em và nói: "Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói". Cậu bé nhận túi lương khô của tôi, khom người cảm ơn. Tôi tưởng em sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, cậu bé ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng.

Ngạc nhiên vô cùng, tôi hỏi tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Cậu bé trả lời: "Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ".

Tôi nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác khóc, để mọi người không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy tôi một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh. Một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại.

Đất nước này đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.
Lạy Chúa, biết bao nhiêu lần con được Chúa dạy phải biết hy sinh quên mình,biết cho đi không tính toán thiệt hơn. . .  con tưởng mình đã thấu đáo lời Chúa rồi: nhưng lạy Chúa, nếu đứng trước hoàn cảnh như em bé trên, con không dám chắc mình còn nhớ lời Chúa dạy không nữa. Xin Chúa luôn ở gần con, nhắc nhở con biết quan tâm đến hạnh phúc anh em mình nhất là những lúc khó khăn nhất.

Nước Nhật: Các cảm tử quân thời bình


Khi tình hình ngày càng căng thẳng, vẫn còn 50 người chấp nhận hy sinh để cứu Fukushima khỏi trường hợp xấu nhất.
“…  Trong vòng bán kính 30 km quanh nhà máy, hàng trăm ngàn người đã được gấp rút di tản hoặc cố thủ trong nhà. Sự cố hạt nhân tại Fukushima hiện được xem là một trong những trường hợp nghiêm trọng nhất kể từ vụ nổ Chernobyl… ”.

Vậy mà vẫn có những người can trường bám trụ lại “tử địa”, quên mình chiến đấu để tránh cho Fukushima khỏi một thảm họa tồi tệ nhất. Họ là 50 nhân viên của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Trước khi xảy ra động đất, có 800 kỹ thuật viên, kỹ sư... làm việc tại nhà máy này. Không sơ tán cùng 750 đồng nghiệp, họ đã chấp nhận đương đầu với nồng độ phóng xạ ngày càng cao để tiếp tục nhiệm vụ.
Hệ thống làm lạnh của các lò hạt nhân tại Nhà máy Fukushima số 1 bị hư hỏng vì động đất và sóng thần. Theo Le Figaro, nhiệm vụ của những người ở lại là bơm nước biển vào các lò hạt nhân để tránh cho các thanh nhiên liệu trong lõi lò không bị tan chảy thành “nham thạch” có độ phóng xạ cực kỳ cao. Ngoài việc bơm nước, có rất nhiều thao tác cứu hộ chỉ có thể thực hiện bằng tay, như mở van giảm áp để tránh cháy nổ. Mang trang phục đặc biệt chuyên chống phóng xạ và đeo mặt nạ dưỡng khí để tránh hít phải khí ô nhiễm, nhóm nhân viên trên luôn trong tư thế sẵn sàng, bất kể ngày đêm hay đang lúc tuyết rơi lạnh giá.

Hôm qua, 50 “cảm tử quân thời bình” chỉ tạm lánh khỏi Nhà máy Fukushima số 1 một thời gian để mức phóng xạ giảm bớt, rồi lại quay về tiếp tục nhiệm vụ. Le Figaro dẫn nguồn thông cáo từ Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), cơ quan quản lý nhà máy Fukushima số 1, cho biết tính đến hôm qua, ít nhất 15 người đã bị thương.

Trên nguyên tắc, bụi phóng xạ không thể bám trên trang phục bảo hộ của họ, tuy nhiên, khó có thể tránh hoàn toàn nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Tại Chernobyl, các nhân viên cứu hộ cũng được mặc trang phục trùm kín người nhưng vẫn có nhiều người bị nhiễm phóng xạ. Bác sĩ Patrick Smeesters chuyên ngành y học hạt nhân nhận định trên Đài truyền hình RTBF: “Chính quyền Nhật đã làm mọi cách để tránh công việc của 50 nhân viên Nhà máy Fukushima số 1 không quá mức nguy hiểm. Nhưng rõ ràng là họ đã phải nhận lượng phóng xạ rất cao, có thể dẫn đến nguy cơ ung thư về lâu dài. Quả thật những vị anh hùng này đã hy sinh vì mọi người”.


Khi sự cố xảy ra, mọi người đã di tản hết, tôi đã điện thoại hỏi Văn Chiến, ai sẽ  à người ở lại để giải quyết các hậu quả này?

Khi đọc đoạn tin trên, tôi cũng đồng cảm với mọi người và Văn Chiến. Tim tôi thắt lại và cũng nghĩ về họ, về đất nước đã có nhiều cảm tử quân trong thời Phong kiến, trong chiến tranh. Thế nhưng, ngay trong thời bình này, khi đời sống vật chất quá của họ quá đầy đủ, nhưng họ vẫn chấp nhận hy sinh cho đồng bào của họ. Trong số học, có thể có người chưa phải là Kitô hữu, nhưng họ đã hành động thật tuyệt vời như Lời Chúa đã phán: “Ai giữ mạng sống mìh thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống vì Thầy thì sẽ tìm lại được”. Tuy hành động của họ không thuần túy mang ý nghĩa tôn giáo, nhưng hành động của họ khiến tôi tự tra vấn lương tâm mình.
Đứng trước một biến cố ta thường có hai thái độ: hoặc bám lấy cuộc sống trần gian, và coi đó như sự thiện duy nhất, và đi đến chỗ chỉ nghĩ đến mình, đến những gì của mình, đến những thụ tạo; ta sẽ đóng kín vào cái vỏ của mình bằng cách chỉ khẳng định chính mình, và cuối cùng sẽ không tránh được cái chết. Hoặc cách khác, vì tin rằng đã nhận được từ Thiên Chúa một cuộc sống sâu xa cùng đích thực hơn, chúng ta sẽ có can đảm sống một cách xứng đáng với hồng ân ấy,  đến chỗ biết hi sinh cuộc sống trần gian cho cuộc sống kia.

Lạy Chúa, xin Chúa ban cho con ơn sức mạnh, để con đủ can đảm quên bản thân mình, luôn đối xử với anh em bằng một “tình yêu” chân thành, sẵn sàng cho đi hơn là lãnh nhận, mạnh dạn sống tình yêu Kitô giáo, một tình yêu chấp nhận đạp đổ mọi hàng rào ngăn cách, kỳ thị, không phân biệt quốc gia hay tôn giáo, quên đi mọi hiềm khích hay những thành kiến cá nhân. Amen.


Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2011

Xin ký thác nạn nhân nước Nhật trong tay Chúa


Trưa 12-3 hãng tin Kyodo cho hay số người chết do động đất và sóng thần lên tới 1.600 người. Một vụ nổ tại lò phản ứng số 1 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đã xảy ra làm 4 người bị thương, gia tăng lo ngại lò phản ứng hạt nhân bị tan chảy, gây thảm họa phát tán phóng xạ.
“… Hãng tin Jiji cho hay khi Công ty Điện lực Tokyo đang nỗ lực giảm áp cho lõi lò phản ứng, vụ nổ đã xảy ra lúc 15g36 (13g36 ngày 12-3 theo giờ VN) sau một trận rung lắc mạnh. Toàn bộ mái của lò phản ứng đã sập xuống.
Đài truyền hình NHK cho biết tòa nhà bao bọc lò phản ứng đã bị nổ tung, các mảng tường vỡ vụn và điều này khiến người ta lo ngại sẽ có hiện tượng rò rỉ quy mô lớn hơn xảy ra. Reuters đưa tin Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano xác nhận phóng xạ đã rò rỉ từ lò phản ứng Fukushima số 1 sau khi vụ nổ lớn tại đây làm tốc mái khu nhà bao bọc quanh lõi phản ứng.
Trong khi đó, Cơ quan an toàn công nghiệp và năng lượng nguyên tử Nhật Bản thông báo phóng xạ tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima 1 đã rò rỉ ra môi trường. Đây là trường hợp đầu tiên phát hiện phóng xạ rò rỉ ra bên ngoài kể từ khi xảy ra động đất chiều 11-3. Mức phóng xạ đo được tại khu vực cổng chính của nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 cao gấp 8 lần mức bình thường.
Nhà chức trách cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 2 sau khi hệ thống làm mát tại 3 lò phản ứng của nhà máy này không hoạt động do tác động của trận động đất mạnh 8,9 độ richter… “ (Nguồn http://tuoitre.vn/The-gioi/428597/Nhat-Ban-no-tai-nha-may-dien-hat-nhan-ro-ri-phong-xa%C2%A0.html).
Hai ngày nay, khi theo dõi các thông tin về những tai họa đang dồn dập đổ xuống nước Nhật phồn vinh. Tôi miên man suy nghĩ về đời người: Đời người tuy không ngắn ngủi như chim trên trời và hoa huệ ngoài đồng, nhưng đời người lại rất mong manh và kết thúc bất cứ lúc nào. Thật vô phúc nếu ta không đặt mình trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, không chuẩn bị tâm hồn và và phó thác nơi Ngài, đặc biệt trong Mùa Chay này.
Tất nhiên Thiên Chúa không hề muốn điều này! Nhưng dù cho con người vẫn đang tiếp tục cộng tác với Thiên Chúa trong công cuộc sáng tạo thế giới, nhưng dưới nhiều hình thức khác nhau, vô tình hay hữu ý, chính con người đang góp phần hủy hoại thế giới!
Tôi chợt tự hỏi: Có khi nào con cái Chúa tự tra vấn lương tâm, cùng nhau ngồi lại để tìm hiểu nguyên nhân của sự hủy diệt này và giải quyết tận gốc vấn đề. Môi trường sống đang bị đe dọa trầm trọng! Con người chạy theo lợi nhuận, lợi ích cá nhân nhưng quên đi sinh mạng những người chung quanh! Phát triển khoa học kỹ thuật nhằm phục vụ con người, nhưng không tuân theo những qui luật đã có từ ngàn đời trong vũ trụ! Tự hào với gì mình đang khám phá được trong vũ trụ, nhưng quên rằng Thiên Chúa đã tạo dựng và sắp đặt từ tạo thiên lập địa! Nhưng khi thiên tai ập xuống, con người lại đổ tội cho đất trời…
Mùa Chay là mùa giúp con cái Chúa ăn năn sám hối, luôn tỉnh thức để đón Chúa là sự chọn lựa tuyệt vời, vì quả thật Chúa đến rất bất ngờ, và Ngài đã cảnh thức con người: “Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ thì con Người sẽ đến“ (Mt 24, 44).
Hàng ngàn người đã chết do thảm họa tại Nhật Bản, không biết được bao người đã chuẩn bị tâm hồn trình diện trước Thánh Nhan Chúa? Xin Chúa thương và đưa họ về hưởng phúc thật đời đời.
Lạy Chúa, phép lạ cả thể chúng con đang được hưởng nhưng chúng con không cảm nghiệm được, đó là “Sự sống” chúng con đang có. Xin cho chúng con cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa trong đời sống chúng con, luôn tỉnh thức, biết nhìn tới cùng đích của cuộc sống là sự chết, biết hướng cái đến đích thực là Nước Thiên Chúa.