Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

Yêu người như Chúa

Tôi tâm đắc với câu chuyện về sức biến đổi mạnh mẽ khi có tình yêu Thiên Chúa ngự trị trong cuộc sống của ĐTGM. Ngô Quang Kiệt như sau:

Bề trên một tu viện Công giáo đến tìm vị ẩn sĩ trên vùng núi Hi mã lạp sơn để trình bày về tình trạng bi đát của tu viện.
Trước kia tu viện này là một trung tâm sầm uất. Khách hành hương tấp nập. Nhà thờ lúc nào cũng vang lừng tiếng hát ca cầu nguyện. Tu viện không còn chỗ nhận thêm người vào tu.
Vậy mà giờ đây tu viện chẳng khác một ngôi nhà hoang phế. Nhà thờ vắng lặng. Tu sĩ thưa thớt già nua. Cuộc sống buồn tẻ.
Cha Bề trên hỏi vị ẩn sĩ nguyên nhân nào hay lỗi lầm nào đã khiến tu viện rơi vào tình trạng suy sụp như hiện nay. Vị ẩn sĩ ôn tồn bảo: “Các tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn đó là tội vô tình”. Ông giải thích thêm: “Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người trong quý vị, nhưng quý vị không nhận ra Người”.
Nhận được lời giải đáp, Cha Bề Trên hớn hở ra về. Cha tập họp các tu sĩ lại và loan báo cho họ biết Đấng Cứu Thế đang ẩn mình giữa cộng đoàn. Nghe nói thế, mọi người mở to mắt và quan sát nhau. Ai là Đấng Cứu Thế cải trang? Nhưng chắc chắn nếu Đấng Cứu Thế đã cải trang thì chẳng ai có thể nhận ra Người. Mỗi người sống chung với ta đều có thể là Đấng Cứu Thế.
Từ ngày ấy mọi người đều đối xử với nhau như với Đấng Cứu Thế. Mọi người kính trọng nhau. Mọi người quan tâm chăm sóc nhau. Mọi người phục vụ nhau. Chẳng bao lâu, bầu khí yêu thương huynh đệ, sự sống và niềm vui lại trở lại với tu viện. Khách hành hương bốn phương lại tấp nập tuốn về. Lời kinh tiếng hát lại vang lừng trong tu viện. Bị cuốn hút bởi bầu khí vui tươi thánh thiện, nhiều thanh niên đến xin gia nhập cộng đoàn.
Trước kia tu viện mất hết sức sống vì mọi người không thực hành Lời Chúa dạy. Sống cá nhân chủ nghĩa, thờ ơ lãnh đạm với nhau. Nay tu viện tràn đầy niềm vui và sức sống nhờ mọi người biết quan tâm đến nhau, yêu mến và phục vụ nhau.
Trước kia khách hành hương không muốn đến tu viện, các bạn trẻ không muốn vào tu viện vì tu viện không là dấu chỉ môn đệ của Chúa. Không sống theo Lời Chúa, các tu sĩ trở thành những hình ảnh mờ nhạt, không phản chiếu được nét đẹp của Thiên Chúa. Nay khách hành hương nườm nượp kéo đến, các bạn trẻ xếp hàng xin nhập tu, vì họ đã thấy nơi các tu sĩ có dấu chỉ của người môn đệ Đức Kitô, có lòng yêu thương nhau. Lòng yêu thương đã khiến các tu sĩ trở nên hình ảnh của rõ nét của Thiên Chúa, chiếu toả sự sống của Thiên Chúa, loan báo hạnh phúc Thiên đàng. Lòng yêu thương ấy có sức hấp dẫn, có sức thuyết phục, có sức mời gọi mãnh liệt vì qua đó, mọi người nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa.
Và tôi thấy tình yêu của Chúa đang được các vị kế nhiệm Thánh Phê rô thực thi:
Đức Thánh Cha Phanxicô: “Giáo hội không phải là một cơ cấu hành chính mà là câu chuyện về tình yêu”
WHĐ (25.04.2013) – Giáo hội không phải là cơ cấu hành chính, nhưng là một câu chuyện về tình yêu. Nếu “Giáo hội lập ra các cơ quan và trở nên phần nào quan liêu, Giáo hội sẽ đánh mất bản chất chính yếu của mình và có nguy cơ biến thành một tổ chức phi chính phủ. Nhưng Giáo hội không phải là một tổ chức phi chính phủ”.
Đức Thánh Cha đã lặp đi lặp lại ý tưởng trên trong Thánh Lễ sáng thứ Tư 24-04 tại nhà nguyện của Nhà khách Thánh Martha. Trong số những người hiện diện, có các nhân viên của Viện Giáo vụ (IOR). Vì vậy Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Giáo hội là một câu chuyện về tình yêu ... Nhưng ở đây có các nhân viên IOR ... tôi xin lỗi, … có những thứ cần thiết, cần có các văn phòng... Vâng! Nhưng chỉ cần đến một mức độ nào đó: như một sự trợ giúp cho câu chuyện về tình yêu này. Nhưng khi tổ chức chiếm vị trí ưu tiên, tình yêu sẽ rơi xuống hàng thứ yếu và Giáo hội, đáng buồn thay, sẽ trở thành một tổ chức phi chính phủ. Và đây không phải là con đường đi tới”.
Các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay kể lại câu chuyện cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên phát triển và gia tăng số môn đệ. Đức Thánh Cha nói, đó là điều tốt, nhưng điều đó có thể đẩy người ta đến chỗ “mặc cả” để có “nhiều ngưởi tham gia hơn vào liên doanh này”. “Thay vào đó, con đường mà Chúa Giêsu muốn cho Giáo hội của Người đi theo là con đường khác: con đường của những khó khăn, con đường thập giá, con đường của bách hại... Và điều này khiến chúng ta tự hỏi: Giáo hội này là gì đây, Giáo hội của chúng ta như thế chẳng có vẻ gì giống như một nghiệp đoàn của con người”. Giáo hội là “điều gì hơn thế nữa”. Không phải các môn đệ đã xây dựng Giáo hội. Họ chỉ là những sứ giả được Chúa Giêsu sai đi và Chúa Kitô cũng được Chúa Cha sai đi. Giáo hội được sinh ra từ trái tim của Chúa Cha, Đấng đã có ý tưởng này –hay đúng hơn, đã có tình yêu này– là câu chuyện về tình yêu, đã bắt đầu và cứ kéo dài mãi mà vẫn chưa kết thúc. Chúng ta đang ở giữa câu chuyện về tình yêu ấy: mỗi người chúng ta là một mắt xích trong chuỗi tình yêu ấy. Và nếu chúng ta không hiểu được điều này, chúng ta cũng chẳng hiểu gì về Giáo hội.
“Giáo hội không phát triển nhờ sức mạnh của con người: một số Kitô hữu đã có những sai lầm vì lý do lịch sử, họ đã đi sai, họ đã có quân đội, và họ tiến hành những cuộc chiến tranh tôn giáo: đó là một câu chuyện khác, không phải là câu chuyện về tình yêu này. Cả chúng ta cũng phải học –qua những sai lầm của mình– để biết câu chuyện về tình yêu diễn tiến ra sao. Nhưng diễn tiến thế nào? Như Chúa Giêsu đã nói: như hạt cải, nó lớn lên như men trong bột, chẳng ồn ào. “Giáo hội phát triển từ dưới lên, một cách tiệm tiến”.
Đức Thánh Cha giải thích thêm: “Khi Giáo hội tự mãn về số lượng và cơ cấu hành chính, thiết lập các cơ quan và một cách nào đó trở thành bộ máy hành chính, khi đó Giáo hội đánh mất bản chất của mình và rơi vào nguy cơ trở thành một tổ chức phi chính phủ. Giáo hội không phải là một tổ chức phi chính phủ nhưng là câu chuyện về tình yêu.”
Đức Thánh Cha kể: “Một vị lãnh đạo quốc gia hỏi rằng đoàn vệ binh giáo hoàng to lớn như thế nào”, Nhưng Giáo hội không phát triển “nhờ quân đội”, mà nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, vì Giáo hội không phải là một tổ chức. “Không, Giáo hội là một người mẹ. Ở đây có rất nhiều bà mẹ, trong Thánh Lễ này. Các chị em cảm thấy thế nào nếu có ai đó hỏi chị em: ‘Bà có phải là quản gia trong nhà bà không?’ ‘Không, tôi là người mẹ’. Giáo hội là Mẹ. Và chúng ta ở giữa một câu chuyện về tình yêu được kể bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần; và chúng ta, tất cả chúng ta cùng với nhau, là một gia đình trong Giáo hội Mẹ của chúng ta”.
(Nguồn: WHĐ)
Lạy Chúa, Chúa gọi con vào đời không phải để làm những chuyện to tát, không phải nhọc công tìm kiếm vinh vang nhưng Chúa muốn con biết sống trọn Tình yêu. Một tình yêu biết hy sinh phục vụ anh em, biết yêu người khốn cùng và yêu cả người ghét mình. Xin Chúa ban thêm sức mạnh để con có thể hấp dẫn mọi người vào đạo Chúa khi chúng con biết sống yêu thương nhau. 

Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

Kính mến ĐGH Phanxicô

Một tháng qua, tôi cứ rạo rực hân hoan vì mình có một Vị Giáo Hoàng được nhiều người biết đến. Nhiều đồng nghiệp ngoại đạo đọc báo và tham gia "tám" chuyện đạo Công Giáo: họ tìm hiểu cách thức bầu Giáo Hoàng, đời sống tu trì và mục đích sống của Giáo Hoàng. . .đa số họ có thiện cảm với "Đạo của tôi theo".
Chính "thiện cảm" này đã "tạm ứng niềm tin" cho tôi.
Từ ngày đó, mỗi hành vi, lời nói khi giao tiếp với đồng nghiệp, với phụ huynh và học sinh tôi đều cố gắng sống vui tươi, hòa đồng và chấp nhận một chút thiệt thòi vì Danh Chúa Giêsu.

ĐTC PHANXICÔ: Một Tháng Trong Cương Vị Giáo Hoàng

Đăng bởi nguyentrieu | 13/04/2013 http://dongten.net/noidung/22411
Thế là đã một tháng trôi qua, sau ngày vị Giáo Hoàng thứ 266 của Giáo Hội Công giáo cất tiếng chào toàn thể thế giới tại quảng trường thánh Phê-rô. Chỉ với một thời gian ngắn, nhưng cái tên Đức Thánh Cha Phanxicô đã đi vào trái tim của nhiều người. Ngài đã làm rung động trái tim họ với sự đơn sơ, khiêm tốn và nhân hậu. Tất cả tín hữu Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới vui mừng tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban Đức Thánh Cha Phanxicô cho Giáo hội trong thời điểm khó khăn này. Ngay từ lần gặp đầu tiên, ngài để lại dấu ấn trong lòng mọi người khi xin những người hiện diện tại Quảng trường thánh Phê-rô cầu nguyện cho vị Giám Mục Rô-ma của họ, trước khi ban phép lành cho họ.
Một ngày sau khi đắc cử, Đức Thánh Cha đã đến Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả để cầu nguyện. Vị Giám Mục Rô-ma mang theo một bó hoa nhỏ để dâng kính Đức Mẹ. Một cử chỉ đơn sơ nhưng thể hiện lòng sùng kính Đức Mẹ của vị Tân Giáo hoàng. Vào buổi chiều hôm đó, đức Tân Giáo Hoàng đã cử hành thánh lễ đầu tiên tại nhà nguyện Sistina với các Hồng y tham dự Mật nghị. Trong bài giảng của mình, ngài nói về ba động từ: bước đi, xây dựng và tuyên xưng. Ngài khẳng định rằng: trung tâm điểm đời sống của người môn đệ chính là thập giá Đức Kitô. Ngài nhấn mạnh:
Khi chúng ta bước đi mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá và khi chúng ta tuyên xưng một Đức Ki-tô không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta là những người trần tục, chúng ta là Giám mục, Linh mục, Hồng y, Giáo hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa. (Bài giảng trong thánh lễ với các Hồng y, ngày 14 tháng 3- Bản Dịch của Cha Vương Đình Khởi, ofm)
Trong những ngày sau đó, khi giải thích lý do tại chọn Thánh Phanxicô Át-xi-di làm đấng bảo trợ cho triều đại giáo hoàng của mình, ngài đã cho thấy tình yêu đặc biệt của mình dành cho người nghèo, những người nghèo khổ nhất.
Và hai chữ “người nghèo” đã nhập cuộc ở đây. Rồi bỗng nhiên sự liên hệ tới người nghèo làm tôi nghĩ tới thánh Phanxicô At-xi-di. Rồi tôi nghĩ tới chiến tranh, …Và Phan-xi-cô là người của hòa bình. Và như thế cái tên Phan-xi-cô đã đi vào lòng tôi: Phan-xi-cô At-xi-di (Gặp gỡ các nhà báo, ngày 16 tháng 03- Bản dịch của Cha Nguyễn Công Đoan, sj).
Đức Thánh Cha Phanxicô trải qua Chúa Nhật đầu tiên như một cha xứ bình thường. Ngài dâng lễ tại một giáo xứ nhỏ trong khuôn viên của Tòa thánh. Sau thánh lễ, ngài đã đứng ở cửa ra vào khoảng 30 phút để chào thăm tất cả mọi người tham dự thánh lễ. Dù thời gian đã khá muộn, nhưng ngài vẫn muốn nán lại để gặp gỡ hết mọi người. Dường như ngài khao khát ôm trọn toàn thể con chiên của mình, đặc biệt là những người nhỏ bé và yếu đuối nhất. Sau đó, đúng 12 giờ trưa, trong buổi đọc Kinh truyền tin đầu tiên, trước hơn 100 ngàn tín hữu, Ngài đã say sưa nói về lòng thương xót Thiên Chúa – một chân lý đức tin tuyệt đẹp đối với đời sống Kitô hữu chúng ta.
Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho chúng ta, không bao giờ! Và vấn đề của chúng ta là gì? Thưa, vấn đề là chúng ta chán nản, chúng ta không muốn, chúng ta không mong muốn sự tha thứ. Ngài không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ! Thiên Chúa là người cha yêu thương luôn tha thứ. Ngài có một trái tim đầy lòng thương xót dành cho tất cả chúng ta (Angelus, 17 tháng 3).
Hai ngày sau đó, vào ngày lễ kính thánh Giuse, bổn mạng của Giáo Hội Hoàn Vũ, Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh Lễ Khai Mạc sứ vụ Phê-rô của mình. Trước thánh lễ, Đức Thánh Cha đi bằng xe jeep mui trần để chào thăm các tín hữu. Thỉnh thoảng ngài dừng lại để chúc mừng các tín hữu và ôm hôn các trẻ em. Rồi khi nhận ra có một người khuyết tật phía trước, ngài đã bước xuống xe, ôm hôn và chúc lành cho anh. Đức Thánh Cha thật gần gũi, ngài như một người cha, muốn ôm hôn con mình với tất cả tình yêu mến. Trong bài giảng, khi nói về sứ mạng của thánh Giuse, ngài liên hệ đến sứ mạng của chính ngài, đó là sứ mạng bảo vệ con người, bảo vệ nhau và bảo vệ toàn thể tạo vật. Và như thế, quyền bính của Giáo Hoàng cũng như toàn thể chúng ta lãnh nhận từ Thiên Chúa là để phục vụ. “Chúng ta đừng bao giờ quên rằng quyền bính đích thực là sự phục vụ, và cả Giáo Hoàng nữa, để thi hành quyền bính, cũng phải ngày càng tiến sâu hơn vào sự phục vụ đó với đỉnh cao sáng chói của nó nơi Thánh Giá”(Bài giảng trong Thánh lễ Khai mạc sứ vụ Phê-rô, ngày 19 tháng 3 - Bản Dịch của Cha Vương Đình Khởi, ofm).
Một trong những công việc phục vụ con người mà ngài phải thực thi đó là trở thành người bắc nhịp cầu, người thăng tiến hòa bình. Thánh Phanxicô At-xi-di là người xây dựng hòa bình, và khi chọn danh hiệu Phanxicô, Đức Thánh Cha đã muốn đi theo con đường của thánh nhân. Đây là điều mà ngài tâm niệm và ao ước thực thi với trọn con tim mình. Trong buổi tiếp kiến với các đoàn ngoại giao cạnh Tòa Thánh, ngài đã chia sẻ:
Chính vì thế tôi ước mong rằng cuộc đối thoại giữa chúng ta sẽ giúp xây dựng nhịp cầu nối kết con người, theo cách thức mà mọi người có thể nhận ra nơi người khác không phải là kẻ thù, không phải là một địch thủ, nhưng là một người anh, người chị được chào đón và yêu thương (Gặp gỡ các Đoàn ngoại giao, ngày 22 tháng 3).
Một ngày sau, một sự kiện đã đi vào sử sách: Đức Thánh Cha Phanxicô gặp Đức Biển Đức 16 tại Castel Gandolfo. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội một Giáo hoàng ôm hôn Giáo hoàng danh dự. “Lần đầu hai Giáo Hoàng chung một bàn quỳ trước mặt Chúa Giêsu Thánh Thể trong Nhà Tạm, lần đầu hai Giáo Hoàng ngồi nói chuyện với nhau, lần đầu hai Giáo Hoàng ngồi ăn với nhau”. Cuộc gặp gỡ này trở nên đặc biệt hơn khi nó diễn ra vào thứ bảy trước khi bước vào tuần thánh. Hôm sau, vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá, với sự hiện diện đông đảo các tín hữu, đặc biệt là các bạn trẻ, Đức Thánh Cha đã lên tiếng khích lệ họ:
Chúng ta đừng để bị cướp đi niềm hy vọng! Chúng ta đừng để bị tước mất niềm hy vọng! Niềm hy vọng chính Chúa Giêsu ban cho chúng ta! (Chúa Nhật Lễ lá, 24 tháng 03).
Vào ngày thứ 5 Tuần thánh, tại một nhà nguyện nhỏ và đơn sơ trong nhà tù, Đức Thánh Cha đã tự mình làm những cử chỉ mà Đức Giê-su đã thực hiện hơn 2000 năm trước. Ngài đã cúi xuống để rửa chân cho 12 thiếu niên, trong đó có hai thiếu nữ và hai người Hồi giáo. Sau khi rửa chân, ngài lau sạch và hôn chân của các em, ngài đã thực hiện một cách hữu hình và sống động điều ngài đã từng nói: “người làm lớn nhất, phải là người phục vụ”. Vào buổi sáng hôm đó, Đức Thánh Cha đã dâng thánh Lễ Dầu với hàng giáo sĩ trong giáo phận của ngài. Trong bài giảng, ngài mời gọi mọi người hãy ra khỏi mình để đi vào các biên cương, nơi con người phải chịu đau khổ nhất. Một người mục tử tốt lành phải là người biết và hiện diện với con chiên của mình.
Đây là điều tôi xin anh em: anh em hãy làm những mục tử với “hương thơm của đoàn chiên”, hương thơm này phải được người ta cảm nhận (Bài giảng trong Thánh lễ Dầu, ngày 28 tháng 03).
Và một người mục tử cần biết rằng “Thập giá của Đức Ki-tô là Lời của Thiên Chúa, nơi đó Thiên Chúa đã chiến thắng sự dữ của thế gian”. Đó là lời Đức Thánh Cha đã nói tại buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại Hí trường Colosseo vào ngày thứ sáu Tuần thánh. Đó chính là nguồn mạch hy vọng của mọi người Kitô hữu, vì nhờ tình yêu, Đức Giê-su đã chiến thắng sự chết. Và trong niềm vui Phục sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố cho toàn thể thế giới rằng: Đức Giê-su đã sống lại. Và ngài nhắn nhủ với mọi tín hữu rằng, hãy để Đức Giê-su phục sinh biến đổi đời sống mình.
Chúng ta hãy đón nhận ân sủng của Đức Giê-su phục sinh! Hãy để cho lòng từ bi của Thiên Chúa đổi mới chúng ta, hãy để cho Đức Giê-su yêu thương chúng ta, hãy để cho đời sống chúng ta được biến đổi nhờ vào quyền năng của tình yêu Thiên Chúa. Và chúng ta hãy trở thành khí cụ của lòng từ bi ấy, trở thành những máng thông chuyển qua đó Thiên Chúa tưới gội trái đất, bảo vệ toàn thể công trình sáng tạo và làm cho công chính và hòa bình được nở hoa (Sứ Điệp Phục Sinh, ngày 31 tháng 03).
Trong niềm vui phục sinh, Ngài mời gọi mọi tín hữu hãy đi truyền giảng Tin Mừng, đó là sứ mạng của mọi người. Trong buổi Yết kiến chung ngày 3 tháng 4, ngài nhắn nhủ cách riêng với các người nữ rằng:
Điều này thật đẹp, và điều này nói lên sứ mạng của những người nữ, các bà mẹ, các cụ bà. Hãy nêu chứng tá cho con cháu của mình rằng Chúa Giê-su đang sống, Ngài hằng sống, Ngài đã chỗi dậy. Các bà mẹ và các chị phụ nữ, hãy tấn tới với chứng tá ấy! (Yết kiến Chung, ngày 03 tháng 04).
Cuối cùng, vào ngày hôm qua, 12 tháng 4, sau một tháng trên cương vị Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ và cảm ơn Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh và toàn thể nhân viên làm việc trong Phủ Quốc Vụ Khanh, với những lời lẽ đơn sơ diễn tả tâm tình biết ơn của ngài như sau:
Tôi biết rằng trong những ngày này – ngày mai là tròn một tháng – anh chị em đã phải làm việc cật lực hơn, và cũng làm thêm nhiều giờ hơn. Và anh chị em không được trả thêm cho những giờ “tăng ca” này, vì anh chị em đã làm việc bằng cả tấm lòng mình và điều ấy chỉ có thể được trả bằng lời “cảm ơn”, một lời “cảm ơn” đến từ sâu thẳm con tim, đúng không? Vì thế hôm nay tôi muốn đến đây để chào thăm và cảm ơn từng người một vì tất cả công việc mà anh chị em đã làm. 
Tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội Công Giáo Đức Thánh Cha Phanxicô. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, xin Chúa đồng hành và chúc lành cho ngài và cho sứ mạng của ngài trọng nhiệm vụ dẫn dắt Giáo hội là Hiền thê của Đức Giê-su. Lạy Mẹ Maria là Mẹ của Giáo Hội, xin Mẹ luôn gìn giữ và nâng đỡ Đức Thánh Cha.

Nguyễn Minh Triệu sj