Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

Dòng Don Bosco Việt Nam: Ngày Truyền Giáo Tỉnh

LÀM BÀI PHÓNG SỰ
Điền vào những chỗ trống đưới đây:
Đề tài phóng sự:Dòng Don Bosco Việt Nam: Ngày Truyền giáo Tỉnh
Sự kiện chính: Ngày Truyền giáo Tỉnh
VIẾT TIN NÓNG VỚI SỰ KIỆN CHÍNH
Mở bài:
-What: Ngày Truyền giáo của Dòng Don Bosco Việt Nam
-When: 8g sáng thứ bảy ngày 16/11/2013
-Where: Tại Học viện Thần học Sa-lê-diêng Don Rinaldi, Xuân Hiệp Thủ Đức
Thân bài:
-Who: Ban Truyền giáo Tỉnh Dòng Sa-lê-diêng Don Bosco Việt Nam.
-How: Học tập kinh nghiệm truyền giáo của cha Piô Ngô Phúc Hậu và cha Gevmaim Lagge, SDB người Ý (tên Việt Nam là Bùi Như Lạc) và Thánh lễ Tạ ơn
-Trích dẫn (câu nói của nhân vật quan trọng): "Khi đi truyền giáo, thiện chí chỉ là con số không nhưng biết kết hợp với Chúa Thánh Thần thì kết quả sẽ là mười, là chín mươi và hơn thế nữa", cha Piô
-Why: Hằng năm, Dòng Don Bosco vẫn tổ chức Ngày truyền giáo Tỉnh cho các Cộng đoàn Sa-lê-diêng và gia đình Sa-lê-diêng
Kết bài:  kết thúc lúc 11g30

Dòng Don Bosco Việt Nam: Ngày Truyền Giáo Tỉnh

WGPSG -- Ban Truyền giáo Tỉnh dòng Sa-lê-diêng Don Bosco Việt Nam đã tổ chức Ngày Truyền Giáo Tỉnh năm 2013 dành cho các cộng đoàn Sa-lê-diêng và gia đình Sa-lê-diêng thuộc các vùng phía Nam, tại Học viện Thần học Sa-lê-diêng Don Rinaldi - Xuân Hiệp, Thủ Đức lúc 08g00 sáng thứ Bảy ngày 16/11/2013.
Đến tham dự có cha Giám tỉnh Giuse Trần Hòa Hưng, cha phó Giám tỉnh Tôma Vũ Kim Long, kiêm Trưởng ban Truyền giáo Tỉnh dòng, cha Piô Ngô Phúc Hậu, quý cha, quý thầy Sa-lê-diêng, quý ông bà cố các tu sĩ đi truyền giáo, cùng các thành phần khác trong gia đình Sa-lê-diêng.
Kinh nghiệm truyền giáo
Sau phần khai mạc, cộng đoàn đã lắng nghe cha Piô Ngô Phúc Hậu truyền đạt những kinh nghiệm gần 40 năm đi truyền giáo ở vùng sông nước miền Tây, tỉnh Năm Căn, Cà Mau. Theo ngài:
- Khi truyền giáo, ta cần phải tìm hiểu kỹ càng văn hóa của địa phương để cùng sống, cùng ăn, cùng hòa nhập, sinh hoạt và làm việc như họ… Chỉ khi đó, họ mới dễ dàng chấp nhận ta trở thành người bạn của họ.
- Khi rao giảng Tin Mừng, ta không thể đứng trên vai trò người thầy, nhưng hãy là người bạn với họ. Cũng vậy, ta phải dùng những thí dụ minh họa rất thực tế và khoa học trong đời thường để giúp họ hiểu Kinh Thánh.
Với chất giọng trầm ấm pha chút khôi hài, ngài đã trả lời các câu hỏi của tham dự viên về thành quả ngài đã đạt được trong hành trình truyền giáo của mình. Ngài giải thích:
- Khi đi truyền giáo, thiện chí chỉ là con số không nhưng biết kết hợp với Chúa Thánh Thần thì kết quả sẽ là mười, là chín mươi và hơn thế nữa. Bởi vì, ai bước đi trong Thần Khí và Sự Thật sẽ đón nhận được hoa quả của Thánh Thần là: bác ái, vui tươi, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế (Gl 16,22).
- Tuy nhiên, đối với chúng ta, Chúa Thánh Thần là Đấng bí nhiệm ẩn giấu, chúng ta không thể biết Người cách trực tiếp nhưng chúng ta có thể tới gần mầu nhiệm của Người qua sự biểu lộ, qua những hoạt động và dấu chỉ của Người trong lịch sử Cứu độ. Khi Chúa Thánh Thần hiện đến, các Tông đồ đã mạnh dạn và hân hoan ra đi loan báo Tin Mừng. Vì thế, chúng ta hãy kiên tâm và bền chí, luôn mang trong mình ngọn lửa yêu thương của Đức Kitô trong bước đường của mình, còn thành quả ra sao, sẽ do Chúa Thánh Thần tác động.
Sau giây phút giải lao và xem đoạn video clip về hành trình truyền giáo hiện nay của 100 tu sĩ Don Bosco Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới, mọi người đã vui mừng chào đón một nhà truyền giáo người Ý, đó là cha Gevmaim Lagge, SDB (tên Việt Nam là Bùi Như Lạc). Dù đã rời Việt Nam từ năm 1975, nhưng tiếng Việt ngài nói vẫn sành sỏi. Thú vị hơn, khi ngài hát bài “Trên con đường về quê" và bài "Kinh Kính Mừng" bằng tiếng Việt. Ngài nhấn mạnh: Việc học ngôn ngữ và văn hóa nơi mình đến truyền giáo rất cần thiết. Từ đó, ngài nhắc lại những kỷ niệm truyền giáo của ngài tại Việt Nam từ năm 1959, khi còn là thầy hộ trực tại tu viện Don Bosco Thủ Đức. Đến năm 1962 ngài về nước tu học và thụ phong linh mục. Năm 1968 ngài trở về Việt Nam với ước nguyện được tiếp tục truyền giáo tại Việt Nam,  một đất nước mà ngài đã coi là quê hương thứ hai của ngài, cho dù trước khi tình nguyện đi truyền giáo, ngài chưa có khái niệm về đất nước Việt Nam.
Thật ý nghĩa biết bao khi cha Giám tỉnh đã ân cần nói lời tri ân và gửi những món quà thân thương đến quý ông bà cố của quý cha, quý thầy đang đi truyền giáo ở các nước. Bởi lẽ, không có ông bà cố sẽ không có những nhà truyền giáo.
Thánh lễ Tạ ơn
Sau giờ giải lao, lúc 10g45, cha Giám tỉnh Giuse chủ sự Thánh lễ Tạ ơn tại nhà thờ Xuân Hiệp. Đồng tế với ngài có quý cha Sa-lê-diêng thuộc vùng phía Nam.
Chia sẻ Tin Mừng, cha Giám tỉnh nhắc lại bản chất của Giáo hội là truyền giáo. Cũng vậy, bản chất của Dòng Don Bosco cũng là truyền giáo. Ngài diễn giảng: “Sứ vụ truyền giáo là ơn gọi của mỗi người và nằm trong lòng Giáo hội, tu hội. Sứ vụ truyền giáo Sa-lê-diêng là loan báo Tin Mừng cho thanh thiếu niên ở mọi nước, mọi dân tộc. Sự thánh thiện Sa-lê-diêng là chu toàn bổn phận. Vì thế, người truyền giáo Sa-lê-diêng phải tu luyện mình từ những việc làm bình thường mỗi ngày để trở nên gương sáng, hầu tạo được niềm tin để dễ dàng loan báo Tin Mừng của Chúa đến cho muôn dân, đặc biệt là giới trẻ”.
Thánh lễ kết thúc lúc 11g30, mọi người cùng tham dự bữa cơm gia đình, hàn huyên tâm sự với quý cha, quý sư huynh, quý ông bà cố và các hội viên.