Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011

Nước Nhật: Các cảm tử quân thời bình


Khi tình hình ngày càng căng thẳng, vẫn còn 50 người chấp nhận hy sinh để cứu Fukushima khỏi trường hợp xấu nhất.
“…  Trong vòng bán kính 30 km quanh nhà máy, hàng trăm ngàn người đã được gấp rút di tản hoặc cố thủ trong nhà. Sự cố hạt nhân tại Fukushima hiện được xem là một trong những trường hợp nghiêm trọng nhất kể từ vụ nổ Chernobyl… ”.

Vậy mà vẫn có những người can trường bám trụ lại “tử địa”, quên mình chiến đấu để tránh cho Fukushima khỏi một thảm họa tồi tệ nhất. Họ là 50 nhân viên của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Trước khi xảy ra động đất, có 800 kỹ thuật viên, kỹ sư... làm việc tại nhà máy này. Không sơ tán cùng 750 đồng nghiệp, họ đã chấp nhận đương đầu với nồng độ phóng xạ ngày càng cao để tiếp tục nhiệm vụ.
Hệ thống làm lạnh của các lò hạt nhân tại Nhà máy Fukushima số 1 bị hư hỏng vì động đất và sóng thần. Theo Le Figaro, nhiệm vụ của những người ở lại là bơm nước biển vào các lò hạt nhân để tránh cho các thanh nhiên liệu trong lõi lò không bị tan chảy thành “nham thạch” có độ phóng xạ cực kỳ cao. Ngoài việc bơm nước, có rất nhiều thao tác cứu hộ chỉ có thể thực hiện bằng tay, như mở van giảm áp để tránh cháy nổ. Mang trang phục đặc biệt chuyên chống phóng xạ và đeo mặt nạ dưỡng khí để tránh hít phải khí ô nhiễm, nhóm nhân viên trên luôn trong tư thế sẵn sàng, bất kể ngày đêm hay đang lúc tuyết rơi lạnh giá.

Hôm qua, 50 “cảm tử quân thời bình” chỉ tạm lánh khỏi Nhà máy Fukushima số 1 một thời gian để mức phóng xạ giảm bớt, rồi lại quay về tiếp tục nhiệm vụ. Le Figaro dẫn nguồn thông cáo từ Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), cơ quan quản lý nhà máy Fukushima số 1, cho biết tính đến hôm qua, ít nhất 15 người đã bị thương.

Trên nguyên tắc, bụi phóng xạ không thể bám trên trang phục bảo hộ của họ, tuy nhiên, khó có thể tránh hoàn toàn nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Tại Chernobyl, các nhân viên cứu hộ cũng được mặc trang phục trùm kín người nhưng vẫn có nhiều người bị nhiễm phóng xạ. Bác sĩ Patrick Smeesters chuyên ngành y học hạt nhân nhận định trên Đài truyền hình RTBF: “Chính quyền Nhật đã làm mọi cách để tránh công việc của 50 nhân viên Nhà máy Fukushima số 1 không quá mức nguy hiểm. Nhưng rõ ràng là họ đã phải nhận lượng phóng xạ rất cao, có thể dẫn đến nguy cơ ung thư về lâu dài. Quả thật những vị anh hùng này đã hy sinh vì mọi người”.


Khi sự cố xảy ra, mọi người đã di tản hết, tôi đã điện thoại hỏi Văn Chiến, ai sẽ  à người ở lại để giải quyết các hậu quả này?

Khi đọc đoạn tin trên, tôi cũng đồng cảm với mọi người và Văn Chiến. Tim tôi thắt lại và cũng nghĩ về họ, về đất nước đã có nhiều cảm tử quân trong thời Phong kiến, trong chiến tranh. Thế nhưng, ngay trong thời bình này, khi đời sống vật chất quá của họ quá đầy đủ, nhưng họ vẫn chấp nhận hy sinh cho đồng bào của họ. Trong số học, có thể có người chưa phải là Kitô hữu, nhưng họ đã hành động thật tuyệt vời như Lời Chúa đã phán: “Ai giữ mạng sống mìh thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống vì Thầy thì sẽ tìm lại được”. Tuy hành động của họ không thuần túy mang ý nghĩa tôn giáo, nhưng hành động của họ khiến tôi tự tra vấn lương tâm mình.
Đứng trước một biến cố ta thường có hai thái độ: hoặc bám lấy cuộc sống trần gian, và coi đó như sự thiện duy nhất, và đi đến chỗ chỉ nghĩ đến mình, đến những gì của mình, đến những thụ tạo; ta sẽ đóng kín vào cái vỏ của mình bằng cách chỉ khẳng định chính mình, và cuối cùng sẽ không tránh được cái chết. Hoặc cách khác, vì tin rằng đã nhận được từ Thiên Chúa một cuộc sống sâu xa cùng đích thực hơn, chúng ta sẽ có can đảm sống một cách xứng đáng với hồng ân ấy,  đến chỗ biết hi sinh cuộc sống trần gian cho cuộc sống kia.

Lạy Chúa, xin Chúa ban cho con ơn sức mạnh, để con đủ can đảm quên bản thân mình, luôn đối xử với anh em bằng một “tình yêu” chân thành, sẵn sàng cho đi hơn là lãnh nhận, mạnh dạn sống tình yêu Kitô giáo, một tình yêu chấp nhận đạp đổ mọi hàng rào ngăn cách, kỳ thị, không phân biệt quốc gia hay tôn giáo, quên đi mọi hiềm khích hay những thành kiến cá nhân. Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét