Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

Yêu người như Chúa

Tôi tâm đắc với câu chuyện về sức biến đổi mạnh mẽ khi có tình yêu Thiên Chúa ngự trị trong cuộc sống của ĐTGM. Ngô Quang Kiệt như sau:

Bề trên một tu viện Công giáo đến tìm vị ẩn sĩ trên vùng núi Hi mã lạp sơn để trình bày về tình trạng bi đát của tu viện.
Trước kia tu viện này là một trung tâm sầm uất. Khách hành hương tấp nập. Nhà thờ lúc nào cũng vang lừng tiếng hát ca cầu nguyện. Tu viện không còn chỗ nhận thêm người vào tu.
Vậy mà giờ đây tu viện chẳng khác một ngôi nhà hoang phế. Nhà thờ vắng lặng. Tu sĩ thưa thớt già nua. Cuộc sống buồn tẻ.
Cha Bề trên hỏi vị ẩn sĩ nguyên nhân nào hay lỗi lầm nào đã khiến tu viện rơi vào tình trạng suy sụp như hiện nay. Vị ẩn sĩ ôn tồn bảo: “Các tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn đó là tội vô tình”. Ông giải thích thêm: “Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người trong quý vị, nhưng quý vị không nhận ra Người”.
Nhận được lời giải đáp, Cha Bề Trên hớn hở ra về. Cha tập họp các tu sĩ lại và loan báo cho họ biết Đấng Cứu Thế đang ẩn mình giữa cộng đoàn. Nghe nói thế, mọi người mở to mắt và quan sát nhau. Ai là Đấng Cứu Thế cải trang? Nhưng chắc chắn nếu Đấng Cứu Thế đã cải trang thì chẳng ai có thể nhận ra Người. Mỗi người sống chung với ta đều có thể là Đấng Cứu Thế.
Từ ngày ấy mọi người đều đối xử với nhau như với Đấng Cứu Thế. Mọi người kính trọng nhau. Mọi người quan tâm chăm sóc nhau. Mọi người phục vụ nhau. Chẳng bao lâu, bầu khí yêu thương huynh đệ, sự sống và niềm vui lại trở lại với tu viện. Khách hành hương bốn phương lại tấp nập tuốn về. Lời kinh tiếng hát lại vang lừng trong tu viện. Bị cuốn hút bởi bầu khí vui tươi thánh thiện, nhiều thanh niên đến xin gia nhập cộng đoàn.
Trước kia tu viện mất hết sức sống vì mọi người không thực hành Lời Chúa dạy. Sống cá nhân chủ nghĩa, thờ ơ lãnh đạm với nhau. Nay tu viện tràn đầy niềm vui và sức sống nhờ mọi người biết quan tâm đến nhau, yêu mến và phục vụ nhau.
Trước kia khách hành hương không muốn đến tu viện, các bạn trẻ không muốn vào tu viện vì tu viện không là dấu chỉ môn đệ của Chúa. Không sống theo Lời Chúa, các tu sĩ trở thành những hình ảnh mờ nhạt, không phản chiếu được nét đẹp của Thiên Chúa. Nay khách hành hương nườm nượp kéo đến, các bạn trẻ xếp hàng xin nhập tu, vì họ đã thấy nơi các tu sĩ có dấu chỉ của người môn đệ Đức Kitô, có lòng yêu thương nhau. Lòng yêu thương đã khiến các tu sĩ trở nên hình ảnh của rõ nét của Thiên Chúa, chiếu toả sự sống của Thiên Chúa, loan báo hạnh phúc Thiên đàng. Lòng yêu thương ấy có sức hấp dẫn, có sức thuyết phục, có sức mời gọi mãnh liệt vì qua đó, mọi người nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa.
Và tôi thấy tình yêu của Chúa đang được các vị kế nhiệm Thánh Phê rô thực thi:
Đức Thánh Cha Phanxicô: “Giáo hội không phải là một cơ cấu hành chính mà là câu chuyện về tình yêu”
WHĐ (25.04.2013) – Giáo hội không phải là cơ cấu hành chính, nhưng là một câu chuyện về tình yêu. Nếu “Giáo hội lập ra các cơ quan và trở nên phần nào quan liêu, Giáo hội sẽ đánh mất bản chất chính yếu của mình và có nguy cơ biến thành một tổ chức phi chính phủ. Nhưng Giáo hội không phải là một tổ chức phi chính phủ”.
Đức Thánh Cha đã lặp đi lặp lại ý tưởng trên trong Thánh Lễ sáng thứ Tư 24-04 tại nhà nguyện của Nhà khách Thánh Martha. Trong số những người hiện diện, có các nhân viên của Viện Giáo vụ (IOR). Vì vậy Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Giáo hội là một câu chuyện về tình yêu ... Nhưng ở đây có các nhân viên IOR ... tôi xin lỗi, … có những thứ cần thiết, cần có các văn phòng... Vâng! Nhưng chỉ cần đến một mức độ nào đó: như một sự trợ giúp cho câu chuyện về tình yêu này. Nhưng khi tổ chức chiếm vị trí ưu tiên, tình yêu sẽ rơi xuống hàng thứ yếu và Giáo hội, đáng buồn thay, sẽ trở thành một tổ chức phi chính phủ. Và đây không phải là con đường đi tới”.
Các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay kể lại câu chuyện cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên phát triển và gia tăng số môn đệ. Đức Thánh Cha nói, đó là điều tốt, nhưng điều đó có thể đẩy người ta đến chỗ “mặc cả” để có “nhiều ngưởi tham gia hơn vào liên doanh này”. “Thay vào đó, con đường mà Chúa Giêsu muốn cho Giáo hội của Người đi theo là con đường khác: con đường của những khó khăn, con đường thập giá, con đường của bách hại... Và điều này khiến chúng ta tự hỏi: Giáo hội này là gì đây, Giáo hội của chúng ta như thế chẳng có vẻ gì giống như một nghiệp đoàn của con người”. Giáo hội là “điều gì hơn thế nữa”. Không phải các môn đệ đã xây dựng Giáo hội. Họ chỉ là những sứ giả được Chúa Giêsu sai đi và Chúa Kitô cũng được Chúa Cha sai đi. Giáo hội được sinh ra từ trái tim của Chúa Cha, Đấng đã có ý tưởng này –hay đúng hơn, đã có tình yêu này– là câu chuyện về tình yêu, đã bắt đầu và cứ kéo dài mãi mà vẫn chưa kết thúc. Chúng ta đang ở giữa câu chuyện về tình yêu ấy: mỗi người chúng ta là một mắt xích trong chuỗi tình yêu ấy. Và nếu chúng ta không hiểu được điều này, chúng ta cũng chẳng hiểu gì về Giáo hội.
“Giáo hội không phát triển nhờ sức mạnh của con người: một số Kitô hữu đã có những sai lầm vì lý do lịch sử, họ đã đi sai, họ đã có quân đội, và họ tiến hành những cuộc chiến tranh tôn giáo: đó là một câu chuyện khác, không phải là câu chuyện về tình yêu này. Cả chúng ta cũng phải học –qua những sai lầm của mình– để biết câu chuyện về tình yêu diễn tiến ra sao. Nhưng diễn tiến thế nào? Như Chúa Giêsu đã nói: như hạt cải, nó lớn lên như men trong bột, chẳng ồn ào. “Giáo hội phát triển từ dưới lên, một cách tiệm tiến”.
Đức Thánh Cha giải thích thêm: “Khi Giáo hội tự mãn về số lượng và cơ cấu hành chính, thiết lập các cơ quan và một cách nào đó trở thành bộ máy hành chính, khi đó Giáo hội đánh mất bản chất của mình và rơi vào nguy cơ trở thành một tổ chức phi chính phủ. Giáo hội không phải là một tổ chức phi chính phủ nhưng là câu chuyện về tình yêu.”
Đức Thánh Cha kể: “Một vị lãnh đạo quốc gia hỏi rằng đoàn vệ binh giáo hoàng to lớn như thế nào”, Nhưng Giáo hội không phát triển “nhờ quân đội”, mà nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, vì Giáo hội không phải là một tổ chức. “Không, Giáo hội là một người mẹ. Ở đây có rất nhiều bà mẹ, trong Thánh Lễ này. Các chị em cảm thấy thế nào nếu có ai đó hỏi chị em: ‘Bà có phải là quản gia trong nhà bà không?’ ‘Không, tôi là người mẹ’. Giáo hội là Mẹ. Và chúng ta ở giữa một câu chuyện về tình yêu được kể bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần; và chúng ta, tất cả chúng ta cùng với nhau, là một gia đình trong Giáo hội Mẹ của chúng ta”.
(Nguồn: WHĐ)
Lạy Chúa, Chúa gọi con vào đời không phải để làm những chuyện to tát, không phải nhọc công tìm kiếm vinh vang nhưng Chúa muốn con biết sống trọn Tình yêu. Một tình yêu biết hy sinh phục vụ anh em, biết yêu người khốn cùng và yêu cả người ghét mình. Xin Chúa ban thêm sức mạnh để con có thể hấp dẫn mọi người vào đạo Chúa khi chúng con biết sống yêu thương nhau. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét